Hội thảo “Giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”
Hội thảo có 02 chuyên đề chính: Chuyên đề về “Sản xuất nông nghiệp theo tư duy kinh tế và phát triển bền vững”, các đại biểu đã nghe các diễn giả báo cáo về “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại tỉnh Hậu Giang” và báo cáo “Áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”; Chuyên đề về “Phát triển kinh tế tập thể; Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP”, các đại biểu đã được nghe báo cáo về “Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, báo cáo “Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” và báo cáo “Phát triển, nâng cấp sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh Kiên Giang gắn với mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm qua ứng dụng công nghệ 4.0”.
Theo báo cáo của các diễn giả và trao đổi, thảo luận của các đại biểu, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn quy mô nhỏ, manh mún; chất lượng một số sản phẩm nông sản chưa cao, công nghệ sau thu hoạch chưa phát triển mạnh, hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô;...
Để nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, các diễn giả, các nhà khoa học cho rằng cần phải:
- Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh, trọng tâm là đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn gắn với ứng phó biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của từng tỉnh, thành; xác định khâu đột phá để liên kết vùng.
- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Tổ chức lại sản xuất theo liên kết gắn với chuỗi giá trị, trong đó chú trọng đến phát triển hệ thống logistics cho lưu thông hàng hóa nông nghiệp, nâng cao các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Cần phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển khoa học và công nghệ, chú trọng đúng mức việc phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường liên kết chặt chẽ “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp), khắc phục tình trạng “được giá mất mùa”, “được mùa mất giá”, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát huy vai trò của kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong chuỗi giá trị nông sản, Hợp tác xã cần thay đổi tư duy về tổ chức hoạt động, phát triển sản xuất các sản phẩm Hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Tiếp tục xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP ở các địa phương;...
Tác giả: Dương Hồng Nga